Ký ức Sàigòn : Đài truyền hình Việt Nam phát trên băng tần số 9



Lúc nhỏ, có lần đi chơi Sở Thú, ngang qua đài Truyền Hình Việt Nam ở số 9 đường Hồng Thập Tự, thằng bạn chỉ mấy cái chữ to đùng “THVN9” hỏi :
- Mày biết mấy chữ đó là gì hông ?
- Dễ ợt, Truyền hình Việt nam số 9 chứ gì – Tôi trả lời liền.
Nó cười hăng hắc :
- Sai bét, đó là “thịt heo vừa nấu chín”

Đó là kỷ niệm với người bạn thuở ấu thơ và cũng làm tôi nhớ mãi Đài Truyền Hình Việt Nam số 9 của Sài gòn ngày xưa.

Kênh truyền hình quốc gia của Việt Nam Cộng hòa có tên chính thức là Đài Truyền hình Việt Nam hay còn gọi là Đài Truyền hình Sài Gòn (Vietnam Television Studio), do phát sóng trên băng tần số 9 nên thường được gọi tắt là THVN9, tuy thành lập vào năm 1965 nhưng vào lúc 19 giờ ngày 7 tháng 2 năm 1966 mới diễn ra buổi phát hình đầu tiên, hình ảnh trắng đen với tiêu chuẩn kỹ thuật truyền hình Hệ FCC - điều tần tiếng 4,5 MHz và buổi phát hình cuối cùng là buổi chiều ngày 29/4/1975. Cùng với đài Quân đội Hoa Kỳ AFVN (Armed Forces Vietnam Network, phát sóng trên băng tần số 11 mà người Sài gòn gọi là đài Mỹ), THVN9 là một trong hai kênh truyền hình quan trọng nhất tại miền Nam Việt Nam và hàng đầu tại Á châu. THVN9 do Tổng cục Truyền thanh, Truyền hình và Điện ảnh điều hành dưới quyền Bộ Dân vận.


Trong thời gian đầu phát điểm là từ trên không trung bằng kỹ thuật stratosvision do phi cơ gài ăng ten bay trên không phận Sài Gòn cách mặt đất 3–6 km. Kỳ phát hình đó ghi hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và đại sứ Mỹ Cabot Lodge. Khu vực bắt sóng bao trùm cả Nam phần và miền nam Trung phần, từ Phan Thiết đến Cần Thơ đều xem được. Lúc đầu phát hình một giờ đồng hồ sau tăng thời lượng lên hai giờ đồng hồ. Ngày 25 Tháng Mười năm 1966 thì mới lập cơ sở trên mặt đất trong thành phố.


Trụ sở thu hình lúc đầu dùng chung cơ sở của Trung tâm Điện ảnh Quốc gia số 9 trên đường Thi Sách,đến năm 1967 thì tách ra thành Phòng Điện ảnh và Phòng Truyền hình riêng.Đài Truyền hình chuyển về số 9 đường Hồng Thập tự, Sài Gòn. Giám đốc đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam là Trung tá Đỗ Việt, Phó Giám đốc là Lê Hoàng Hoa.


Đài truyền hình dân sự thứ hai được thiết lập sau đài Sài Gòn là đài địa phương Cần Thơ rồi lần lượt thêm những đài khác ở Quân khu I và II. Sang thập niên 1970 miền Nam đã đó có tới năm đài truyền hình trong khi ở miền Bắc truyền hình chưa hết giai đoạn thử nghiệm và đến năm 1971 mới bắt đầu thiết lập.


Ngoài Đài chính ở Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa còn có bốn đài truyền hình địa phương ở Huế, Quy Nhơn, Nha Trang và Cần Thơ.


Thời lượng phát hình vào đầu thập niên 1970 của Đài Truyền hình Việt Nam là sáu giờ mỗi ngày vào buổi chiều. 80% dân chúng ở Miền Nam có thể bắt sóng xem được. Tính bình quân cứ mỗi 50 người dân thì có một ti vi; tổng cộng hơn 350.000 máy trên toàn quốc. Ngân sách của THVN vào năm 1970 là 1,3 triệu USD

THVN9 mở đầu mỗi buổi phát hình với câu:
“Đây là đài Truyền Hình Việt Nam, phát hình trên băng tần số 9, xin kính chào quí vị.”

Cô Hoàng Thị Lệ Hợp tự kiểm tra băng thâu hình trước khi lên sóng. Cô được đánh giá là một trong những xướng ngôn viên hàng đầu tại Việt Nam Cộng hòa. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.
Chuyên gia sản xuất chương trình truyền hình người Mỹ Wyndham P. Duncan (cố vấn kỹ thuật của THVN9) đang điều chỉnh chiếc microphone trên cao trước khi thâu hình một tiết mục cải lương, người bên phải là nữ tài tử Bích Thuận. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.
Hai nữ xướng ngôn viên trong trạng thái sẵn sàng để thâu hình bản tin thường nhật. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.
Ban biên tập kiểm tra nội dung chương trình trước khi lên sóng. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.
Trong thời gian tồn tại, đài THVN9 chỉ phát hình trắng đen, các bản tin và chương trình giải trí được phân bố rất đều nhưng chỉ có tiết mục giải trí được khán giả hoan nghênh nhất. Mỗi nghệ sĩ hoặc nhóm nghệ sĩ tự đăng ký với đài để đảm nhận tiết mục riêng và xây dựng ra sao tùy ý muốn, thường là ca nhạc và hài kịch. Ảnh chụp ban hợp ca của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong chương trình do ông phụ trách.
Nữ ca sĩ Quỳnh Giao trong một buổi ghi hình.
Một cảnh trong vở cải lương “Yêu người say“, thâu hình năm 1970. Trong ảnh là Hùng Cường và Bạch Tuyết.
Với hai bộ phim “Trên đỉnh mùa đông” (1972) và “Mộng Thường” (1974), nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942 – 2005) có lẽ là người tiên phong cho dòng phim truyền hình Việt Nam.
Máy quay của THVN9 (bìa trái) xuất hiện trong một bổi diễu hành năm 1971.





Trụ sở Đài THVN9 nhìn từ không trung.
Phó Giám đốc THVN9 Lê Hoàng Hoa 
Tham khảo Chương trình phát hình tiêu biểu ngày Thứ Năm, 2 tháng 3, 1972

18g00 Nhạc hiệu, quốc kỳ, giới thiệu chương trình phát hình
18g05 Tin ngắn
18g10 Nhân dân tự vệ
19g00 Thông cáo
9g05 Thời sự hàng tuần
19g15 Nhạc làm quen khán giả
20g00 Tin tức
20g30 Tiếng nói Động viên
21g00 Bình luận
21g10 Tiếng nói Động viên (tiếp theo)
21g30 Điểm báo
21g40 Thời sự quốc tế
21g50 Kịch: Cô gái Hà Tiên của ban Gió Nam
22g30 Tin chọn lọc
22g35 Cô gái Hà Tiên (phần 2)
24g00 Đài hiệu, quốc kỳ

Cho đến nay, tôi vẫn nhớ khá rõ những chương trình của đài THVN9 bắt đầu từ lúc 18g, nhạc hiệu : Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi ….. phát hình ảnh các cảnh quan đẹp ở Việt Nam, khởi đầu các tiết mục hàng ngày là các chương trình của thiếu nhi (lần lượt theo tuần hay tháng) như : Hoa Thế Hệ (giới thiệu những diễn viên nhí cải lương, hồ quảng … và lúc đó ca sĩ, nghệ sĩ Phượng Mai xuất thân và nổi bật trong chương trình này), Ban thiếu nhi Tuổi Xanh của Bà Kiều Hạnh, chương trình thiếu nhi Xuân Phát của nghệ sĩ Xuân Phát, chương trình thiếu nhi Hoa Bách Hợp của Hội Hướng Đạo Việt Nam, Chương trình ca nhạc thiếu nhi Nguyễn Đức của nhạc sĩ Nguyễn Đức (các ca sĩ nữ có họ Phương đều xuất thân từ lò đào tạo Nguyễn Đức : Phương Hồng Ngọc, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế … sau này có Phương Diễm Hạnh), Ban thiếu nhi Gió Khơi chuyên biểu diễn hòa tấu đàn mandolin và các tiết mục múa về quê hương (do thầy Hưng và cô Phấn nhà ở đường Nguyễn Tiểu La, Quận 10 sáng lập), chương trình Đố Vui Để Học do Vũ Khắc Khoan điều khiển, Đinh Ngọc Mô phụ trách. 


Sau đó là chương trình thời sự, tin tức. Lúc đó là thời chiến nênTHVN9 thường phát các bản tin chiến sự ở 4 vùng chiến thuật. Các bản tin này được xen kẽ vào nội dung các chương trình giải trí : Cải Lương (lúc đầu phát hình vào mỗi tối Thứ Ba, sau đó đổi qua Thứ Bảy) còn nhớ các đoàn : Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Minh Tơ, Huỳnh Long …. Ca vũ nhạc : Hoàng Thi Thơ, chương trình tạp lục Tùng Lâm … Kịch nói có các đoàn : Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Vũ Đức Duy …. 

Ngoài ra có những chương trình tôn giáo như "Tiếng chuông chùa", “Giác Ngộ” của Phật giáo, chương trình Đắc Lộ của giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, chương trình Phúc Âm … 

Thể thao nổi bật có những chương trình truyền hình trực tiếp các trận bóng đá (lúc đó trên truyền hình gọi là túc cầu, dân gian gọi là đá banh và sau 1975 mời gọi là bóng đá (theo ngôn ngữ của Miền Bắc) 

Phim ảnh cũng được sản xuất và trình chiếu trên THVN9, còn nhớ nhất là các phim của Trần Thiện Thanh với Thanh Lan 

Phát ngôn viên đài truyền hình có Tuyết Mai, Mai Liên, Nguyễn Đình Khánh.

Đài hiệu : “Tiếng gọi Công Dân“. Lời giới thiệu : “Đây là Đài Truyền hình Việt Nam, phát hình trên băng tần số 9, xin kính chào quý vị !“.


Trong suốt thời gian tồn tại (1966 – 1975), đài THVN9 phát sóng trung bình 6 tiếng/ngày và chỉ gia tăng thời lượng vào dịp lễ Tết – đây là con số kỷ lục tại các nước Á châu đương thời, khi mà ngành truyền hình còn rất sơ khai. Bức ảnh được chụp tại một khu phố người Hoa năm 1966.





Ngay từ thập niên 1960, mặc dù việc sở hữu máy thu hình đối với mỗi người dân miền Nam không quá khó nhưng nhiều địa điểm công cộng thường lắp đặt máy thu hình để khách vãng lai theo dõi. Bức ảnh được chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967 tại nhiều nơi trong nội đô Sài Gòn.

Ông Hoàng Thái – Giám đốc Đài THVN9. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.








Các kỹ thuật viên tất bật chuẩn bị cho giờ lên sóng. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.













LangthangSaigon 

(biên soạn theo thông tin của wikipedia và ký ức, hình ảnh của TTXVA)

Có ai còn nhớ về THVN9, nhất là các bậc cao niên xin bổ sung thông tin để cùng nhớ về SG xưa



0 comments:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More